Phát triển các tuyến du lịch tại Cà Mau huyện Ngọc Hiển đã khai trương 3 điểm trưng bày sản phẩm tại Khu Du lịch Đất Mũi như: Trạm dừng chân du lịch Tư Tỵ Điểm du lịch Hoàng Hôn với nhiều mặt hàng đặc sản bắt mắt phục vụ du khách thập phương.
Huyện Ngọc Hiển là vùng đất cực Nam của Tổ quốc với hệ sinh thái rừng ngập mặn, được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật phong phú và những món ăn đặc sản mang hương vị biển. Các gian hàng trưng bày ra đời nhằm giới thiệu, quảng bá, nâng cao hình ảnh thương hiệu hàng hoá, sản phẩm đặc trưng của địa phương để tạo cơ hội tìm kiếm đầu mối tiêu thụ sản phẩm thường xuyên, ổn định, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường. Đồng thời, tạo địa chỉ mua sắm tin cậy các sản phẩm đặc trưng được sản xuất tại huyện Ngọc Hiển đến du khách. Đây được xem là hình thức xúc tiến du lịch tại chỗ.
Chính từ những hướng đi mới, những nét riêng, từ đầu năm đến nay huyện Ngọc Hiển đã đón trên 288.920 lượt khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Khu Du lịch Đất Mũi, Khu Du lịch Khai Long và các điểm du lịch sinh thái, xuyên rừng, trong đó có 787 lượt khách quốc tế, doanh thu từ nguồn du lịch đạt 173 tỷ đồng. Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Tiêu Minh Tiên cho biết: “Chúng tôi quan tâm nhất về chất lượng phục vụ du khách. Chất lượng phục vụ liên quan đến chuỗi hoạt động, chất lượng sản phẩm, quà lưu niệm và chất lượng phục vụ ăn uống, cung cách phục vụ... Đặc biệt là liên kết cùng các công ty lữ hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, thông tin đến du khách về du lịch Mũi Cà Mau”.
Ông Nguyễn Văn Hôn, Điểm du lịch sinh thái Hoàng Hôn, xã Đất Mũi, chia sẻ: “Huyện Ngọc Hiển được đầu tư nhiều điểm mới về du lịch, đặc biệt là tour xuyên rừng hết sức ấn tượng khi khách du lịch từ 3 miền đến đây. Đất Mũi là nơi cực Nam của Tổ quốc, có nhiều cửa sông chảy ra biển, tạo cho nơi đây khác lạ so với các nơi khác. Nơi đây có kênh Rạch Vàm đi xuyên rừng, từ biển Đông đi xuyên ra biển Tây và có những điểm dừng chân trên bãi bồi, hàng năm bồi ra biển từ 50-80 m. Ai cũng muốn một lần đến với bãi bồi Mũi Cà Mau để chiêm ngưỡng nét đẹp nơi đây”.
Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đặt mục tiêu đón gần 1 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025, trong đó khách quốc tế đạt 6 ngàn lượt. Khi đó thu từ du lịch sẽ đạt khoảng 2-5 ngàn tỷ đồng từ năm 2025-2030; Đồng thời tạo việc làm cho 1.500 lao động vào năm 2025. Bà Trần Ngọc Loan, Công ty Nice Tour Cà Mau, tâm sự: “Chúng tôi tự tin giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài nước đến Đất Mũi và đến với những loại hình du lịch tại Mũi Cà Mau để tham quan, trải nghiệm. Tôi tự hào về Mũi Cà Mau, nhân đây tôi muốn gởi đến các bạn hãy đến Cà Mau chúng tôi đi, hãy tự tin đến”.
Du lịch đang dần trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện với nhiều điểm tham quan như khu Khai Long, Đất Mũi; Du lịch xuyên rừng, cùng nhiều điểm, khu du lịch sinh thái cộng đồng đã thu hút du khách đến tham quan. Từ đó, hệ thống du lịch được đầu tư hạng mục công trình như biểu tượng cột cờ Hà Nội, đường nội bộ… từng bước hoàn thiện và tạo nét riêng cho điểm du lịch cực Nam Tổ quốc.
Để khai thác thế mạnh từ ngành du lịch, huyện Ngọc Hiển tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan môi trường, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khách tham quan du lịch. Đồng thời, phát triển các làng nghề truyền thống và các sản phẩm mang tính đặc trưng, đưa ngành du lịch của huyện sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến thông tin: "Huyện Ngọc Hiển phát triển 40 điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, 5 làng nghề truyền thống, 4 sản phẩm mang tính đặc trưng của Đất Mũi, 4 tuyến du lịch. Trước mắt tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế Khu Du lịch Đất Mũi; Tranh thủ mở rộng phát triển du lịch những nơi thuận lợi ở các xã: Tân Ân, Tân Ân Tây, Tam Giang Tây và Viên An; Phối hợp chặt chẽ với Vườn Quốc gia Đất Mũi mở tuyến du lịch sinh thái để khách tham quan về rừng, hiểu được cảnh vật và con người Đất Mũi”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét